Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Tham quan thành phố Lạng Sơn

Danh thắng động Nhất, Nhị, Tam Thanh.
Theo các cụ giá kể lại thì quần thể Động Nhị Thanh, Động Tam Thanh, Thành nhà Mạc và Nàng Tô Thị là Danh thắng Nhất, Nhị, Tam Thanh của Lạng Sơn. Quần thể này nằm ngay trong lòng thành phố, trải dài theo dãy núi đá nằm thành một vòng cung ở phía Tây Bắc của thành phố Lạng Sơn.
Danh thắng Nhất, Nhị, Tam Thanh của Lạng Sơn đã trở thành huyền thoại của người dân Xứ Lạng. Những câu chuyện về Sự tích Nàng Tô Thị, Đô đốc Ngô Thì Sỹ, Pò soài ( Pò Sài )

Danh thắng Nhị Thanh được phát hiện và tôn tạo bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 do công của Ngô Thì Sỹ - một vị quan triều Lê, được cử lên Lạng Sơn làm quan Đốc Trấn. Bên cạnh việc chăm lo giữ gìn biên ải và an dân, ông đã phát hiện ra động Nhị Thanh, đặt tên cho động đồng thời cho tôn tạo, biến nơi đây thành một nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân.

Việc sửa sang động Nhị Thanh được tiến hành vào năm 1779, sau đó Ngô Thì Sĩ lập ra chùa Tam Giáo nằm ở thế đất cao bên phải cửa động. Chùa thờ 3 vị Thánh của 3 đạo là Khổng Tử (Đạo Nho), Đức Phật tổ Thích Ca (Đạo Phật) và Tổ Đạo Lý Lão quân (Đạo Giáo).

Bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên của Động Nhị Thanh. Những dải nhũ đá rủ xuống khiến ta liên tưởng như đang lạc vào một mê cung. Chạy dọc theo động là dòng suối Ngọc Tuyên, nước xanh biêng biếc, phần đọng lại trước cửa động tạo thành Ao Nhất Bình thơ mộng. ( Nay dòng suối này không còn được trong xanh nữa )

Ở giữa hang có một khoảng đất rộng gọi là "sân khấu", có ánh sáng từ cửa Thông Thiên rọi chiếu thật huyền ảo. Tại "sân khấu" này, Ngô Thì Sĩ đã từng mở tiệc thết đãi và thưởng thức các chương trình thơ ca, đàn hát…

Nơi đây còn lưu giữ nhiều bút tích của Ngô Thì Sỹ trên các văn bia, các bức đại tự, vòm động… Ngay vòm cửa động còn lưu giữ một bức hoạ vẽ Ngô Thì Sỹ uy nghi, trang trọng. Bức hoạ là ước vọng của ông được muôn thuở hoà vào hang núi để tiêu dao. Xúc động trước những tình cảm đó, nhân dân lập bàn thờ ông ở đây và gọi là Di Ái Đường.

Tại cửa sau của Nhị Thanh, bạn sẽ nhìn thấy Tam Thanh, Chùa Tam Thanh (Thanh Tiên tự). Ngôi chùa này được lập vào khoảng thế kỷ 16, 17 để thờ Phật. Tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý.

Chùa Tam Thanh nằm trong Động Tam Thanh. Động có vòm cao, rộng. Đi sâu vào trong động đến khu vực "sân khấu" sẽ có hai cửa thông thiên. Ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá ngời lên đẹp lạ thường. Trong hang còn có nhiều hình đá mà thiên nhiên ban tạo thật kỳ diệu.

Đi hết cửa thông thiên của Động Tam Thanh, chúng ta sẽ đến Lầu Vọng Thị. Từ đây nhìn chếch về phía Đông Bắc, du khách sẽ được thấy hòn Vọng Phu – Nàng Tô Thị. Song song với nàng Tô Thị là Thành nhà Mạc cổ kính, rêu phong- một kiến trúc thời phong kiến VN thế kỷ 16.

Có thể nói du khách đến với Xứ Lạng không thể không đến Nhị, Tam Thanh

Trong cảnh quan của thành phố Lạng Sơn còn có:

Đền Tả Phủ.

Đền Tả Phủ nằm ở chính giữa phố chợ Kỳ Lừa xưa, nay là trung tâm phường Hoàng Văn Thụ, đền Tả Phủ là nơi thờ Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài, tương truyền là người đã mở ra phố chợ Kỳ Lừa cho nhân dân làm ăn, buôn bán.

Thân Công tài là người ở xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang (nay là tỉnh Bắc Giang). Nhân dân truyền tụng rằng ông chính là người đầu tiên cho mở 7 con đường, lập nên 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, tạo cho trấn lỵ Lạng Sơn xưa một khu buôn bán phồn vinh, tấp nập, thu hút cả khách thương ngoại quốc vào kinh doanh, giúp cho nhân dân làm ăn, buôn bán.

Đền Tả Phủ được xây dựng cách đây đã hơn 200 năm theo lối kiến trúc đền chùa cổ của Trung Quốc với hệ thống cột kèo, ngói máng uốn lượn cầu kỳ. Trong đền còn có tấm bia cổ ghi 4 chữ: " Tôn sư phụ bi " có nghĩa là tôn người làm thầy, làm cha của muôn dân.

Hàng năm từ ngày 22 đến ngày 27 tháng giêng âm lịch, trong khoảng thời gian giữa hai phiên chợ, lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng được tổ chức trang nghiêm, hoành tráng, là một trong những lễ hội lớn nhất của Thành phố Lạng Sơn, có đầy đủ các nghi thức tế lễ, rước thần và tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo như múa rồng, múa sư tử, kỳ lân, chơi cờ người.... Đặc biệt nhất là tổ chức trò chơi cướp đầu pháo vào ngày 27 với ý nghĩa cầu mong các vị tổ tiên đem lại may mắn, hạnh phúc cho người dân.

Hiện nay đền Tả Phủ đã được tu sửa lại khang trang, sạch đẹp, thu hút đông đảo bà con khách thập phương đến tham quan, cúng lễ. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998.

Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên:

Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên: Cách cầu Kỳ cùng khoảng nửa cây số, về phía nam thành phố trên đường đi Mai Pha, có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng. Đó là núi đại tượng, nơi đây có động Chùa Tiên. Động Chùa Tiên Nằm ngang chừng núi, lối lên có 64 bậc, cửa phụ quay về hướng đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ thu thuỷ. Chùa Tiên còn được gọi là chùa Song tiên, được lập vào thời Hồng Đức ( 1460 - 1497 ). Trong động có nhiều thạch nhũ có hình dáng tiên ông , con voi hoặc con dơi bay. Nhiều tấm bia ma nhai của các nhà văn, các danh nhân cũng được thấy ở chùa Tiên này. Đằng sau núi Voi - Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng gần 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tham quan thành phố Lạng Sơn

Danh thắng động Nhất, Nhị, Tam Thanh . Theo các cụ giá kể lại thì quần thể Động Nhị Thanh, Động Tam Thanh, Thành nhà Mạc và Nàng Tô Thị là D...